[throwback Thusday] Công viên Trung Tâm - khoảng lặng ở New York
đừng để quên sự tò mò ở nhà trên con đường trải nghiệm thế giới
Hé lu! Hôm nay mình đột nhập hòm thư của bạn vào ngày thứ 5 thay vì cuối tuần để chia sẻ một bài viết tầm vài năm trước trong series “Tây Du Ký”. Nếu bạn thích bài viết này thì cho mình biết để mình kể thêm về các chuyến du hí của mình nha!
Địa điểm đầu tiên mà mình muốn viết về thành phố mà mình vừa có dịp được đến thăm vào ngày sinh nhật lần thứ 22 của mình - thành phố New York. Có quá nhiều thứ để nói về thành phố nổi tiếng thế giới này, nhưng mình hi vọng những trải nghiệm chủ quan của mình sẽ mang đến một góc nhìn cá nhân về một New York mà có lẽ bạn đã ít nhiều gặp trong phim ảnh hoặc lời kể của mọi người.
Sáng ngày sinh nhật, sau một ngày di chuyển mệt mỏi, mình thức dậy khá muộn, chậm rãi sửa soạn để bắt đầu ngày mới. Một lợi thế hiếm có của việc làm một người xa xứ là ngày sinh nhật của bạn kéo dài đến tận 36 tiếng đồng hồ. Buổi trưa ngày hôm trước, lúc vẫn đang còn trên xe khách đến New York, mình bất ngờ nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật từ ba mẹ. Có hai lý do chính khiến đây là một món quà bất ngờ. Đầu tiên là những ngày vừa qua, mình đã quá bận rộn với những ngày làm việc cuối cùng ở trường, bận chuẩn bị cho chuyến đi dài 3 tháng sắp tới và cuốn gói lên New York để về Việt Nam, đến mức ngày sinh nhật nằm ở tít dưới đọt của cuốn não. Vậy nên tin nhắn của ba mẹ là lúc mình chợt nhận ra, mai đã là ngày sinh nhật mình rồi. Thứ hai nữa, ba mẹ, như những người Huế trung niên khác, nhìn chung không bao giờ thức quá 10h đêm. Vậy mà hôm nay, lời chúc của ba mẹ được gửi đi vào đúng 12h đêm ở Việt Nam. Từ lúc nhận được hai tin nhắn ngắn gọn đó, dù ở Mỹ vẫn chưa sang ngày mới thì đối với mình, ngày sinh nhật đã chính thức bắt đầu. Vậy nên sinh nhật của mình dài tận 36 tiếng đồng hồ, nhờ vào công thức đêm của ba mẹ chỉ để gửi đi một cái tin nhắn đơn giản nhưng ấm áp vào khoảnh khắc bắt đầu của ngày 11 tháng 8 từ nơi mình đã được sinh ra.
Mình nghĩ, những cử chỉ đơn giản đôi khi lại là thứ ấm áp nhất mà một người có thể mang lại cho người khác.
Công viên Trung Tâm - khoảng lặng ở New York
Địa điểm đầu tiên mà mình đến thăm cùng với bạn nam của mình vào ngày sinh nhật là Công viên trung tâm, và cụ thể hơn là một địa điểm trong công viên mang tên Strawberry Fields (Cánh Đồng Dâu). Mình đã đến thăm Công viên Trung Tâm vào lần đầu tiên mình đến New York năm 2016, theo lời giới thiệu hào phóng của một người bạn, “chưa đến Công viên Trung Tâm thì coi như chưa đến New York”. Lúc đó, có lẽ mình chưa hiểu rõ tại sao công viên trung tâm lại quan trọng đối với New York đến vậy. Gọi là “công viên” nghe có vẻ nhỏ bé chứ nếu bạn gọi là “vườn bách thảo trung tâm” hay “rừng nhân tạo trung tâm” chắc cũng không sai. Công viên Trung Tâm rộng 341 hectare, kéo dài hơn một phần ba chiều dài của khu vực Manhattan. Điều đó cũng có nghĩa là một bộ phận lớn cư dân Manhattan có thể đi bộ 5 phút là có thể tìm thấy một chốn thiên nhiên xanh mát, yên tĩnh ngay giữa nhịp sống thành phố ồn ã, một điều mà khi đã nhìn thấy cách người New York đi bộ ở bến tàu điện ngầm hoặc sự đông đúc ở Time Square thì bạn sẽ nghĩ, chắc chỉ là giấc mơ.
Lần đầu tiên đến thăm Công viên Trung Tâm, mình thực sự thán phục sự quy hoạch và thiết kế thành phố của chính quyền New York. Làm thế nào để có thể xây dựng và gìn giữ một công viên lớn như vậy ngay giữa một thành phố mà tấc đất bằng (chục) tấc vàng? Ở nhiều đô thị lớn với mật độ dân cư cao như New York, việc “nhét” các khoảng không gian xanh vào giữa đô thị là một vấn đề nan giải nhưng hết sức cần thiết đối với chất lượng cuộc sống của người dân. Còn New York thì chả cần nhét mà ngang nhiên dành luôn một diện tích to oạch trong khu vực sầm uất nhất thành phố để làm công viên. Rất nhiều năm về trước, có lẽ từ thời New York còn sơ khai, một nhà quy hoạch nào đó đã nghĩ trước về vấn đề này, tránh cho con cháu hàng trăm năm về sau khỏi sự đau đầu về di dời và quy hoạch, đồng thời ban tặng cho New York một địa điểm hết sức quan trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây.
Vậy nên với những người đã từng đến New York và có xu hướng thích thiên nhiên yên tĩnh như mình thì vài vòng đi dạo trong Công viên Trung Tâm nghe có vẻ lý tưởng để bắt đầu sáng ngày sinh nhật. Tiếc là không phải địa điểm nào trong Công viên Trung Tâm cũng yên tĩnh. Dù tại Strawberry Fields có đặt những biển hiệu cấm những hoạt động ồn ào, có lẽ việc yêu cầu hàng trăm khách du lịch trong một khoảng không gian nhỏ, ai ai cũng đang nháo nhào tranh nhau chụp ảnh phải im lặng thì có lẽ hơi bất khả thi. Tại sao Strawberry Fields lại nổi tiến
g đến vậy, và tại sao mình lại chọn đến đây? Gợi ý: ở đây hoàn toàn không có dâu tây dâu ta gì hết thảy. Strawberry Fields là một khoảng đất nhỏ có trồng cây với hai đường đi bộ ngắn với cảnh quan không mấy đặc sắc so với phần còn lại của Công viên Trung tâm. Lý do mà khách du lịch đổ đến đây nằm ở một vòng tròn đá mosaic nằm khiêm nhường trên mặt đất với dòng chữ “Imagine” ở giữa. Đúng vậy, đây là một công trình tưởng niệm ca sĩ huyền thoại John Lennon, thành viên nhóm The Beatles, với bài hát nổi tiếng “Imagine” cổ vũ cho hòa bình thế giới. Đến đây, nếu bạn có biết đến nhạc John Lennon, có thể bạn đã đoán ra tại sao khu đất này lại được đặt tên là Strawberry Fields: Strawberry Fields Forever là tên một ca khúc nổi tiếng khác của John Lennon. Một câu hỏi khác có thể bạn đang tự hỏi, đó là tại sao lại có một mảnh đất tưởng niệm của John Lennon, một ca sĩ đến từ Liverpool, Anh, tại công viên Trung Tâm ở New York? Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ kể cho bạn tại sao mình lại biết đến Strawberry Fields và chọn đến thăm nơi đây.
Tua ngược thời gian trở lại với tháng 4 năm nay, lúc mình đang còn trong học kỳ trao đổi tại Anh. Học kỳ mùa xuân ở các trường Đại học ở Anh có một kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài tận một tháng trời, và đây là cơ hội tuyệt vời cho những đứa sinh viên quốc tế như mình để đi du lịch. Với tất cả số tiền kiếm được cả năm trước, mình thực hiện một chuyến du hí kéo dài 15 ngày vòng quanh nước Anh mà mình sẽ kể trên blog vào một ngày không xa. Một trong 9 thành phố mà mình đã đến thăm trong chuyến đi đó là Liverpool, thành phố khởi nguồn của ban nhạc The Beatles. Một cách tình cờ, lúc mình đến thăm, bảo tàng thành phố Liverpool đang có triển lãm mang tên Double Fantasy về cuộc đời và sự nghiệp của cặp vợ chồng “khét tiếng” John Lennon và Yoko Ono. Mặc dù thích nhạc của The Beatles đã khá lâu, mình hầu như không biết gì về ban nhạc này, và càng không biết gì về John Lennon và Yoko Ono. Nếu có thời gian, mình khuyến khích các bạn nên đọc thêm về câu chuyện của cặp vợ chồng đặc biệt này và những điều họ cổ vũ. Trong post này, mình chỉ muốn kể về câu chuyện tại sao John Lennon lại được tưởng niệm ở New York, và làm cách nào triển lãm ở Liverpool đã khiến mình cảm động đến mức muốn đến nơi tưởng niệm ấy.
John Lennon dù sinh ra và bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Liverpool, nhưng lại sống phần đời sau tại New York. Nơi đây cũng là nơi John đã gặp Yoko Ono trong một chuyện tình trái ngang. Ngoài việc hai người đều đã có gia đình lúc họ gặp nhau, thời điểm đó ở Mỹ, có rất nhiều dị nghị với người Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai và những sự kiện như Pearl Harbor và đánh bom nguyên tử ở Nhật. Hơn thế nữa, John Lennon dường như thay đổi rất nhiều sau khi gặp được nhân duyên của của mình. Ông dừng hoạt động với The Beatles, thay đổi gu âm nhạc, dành thời gian hoạt động nghệ thuật với Yoko và các hoạt động nhân quyền. Chính vì lý do đó mà nhiều fan hâm mộ của the Beatles, và fan hâm mộ của The Beatles là một nhóm không-hề-nhỏ, coi Yoko như người đã phá hoại sự nghiệp của John Lennon, sử dụng những từ ngữ hết sức xấu xí như “con đ*” và “mụ phù thủy” để gọi cô. Mặc cho dư luận, cặp đôi John x Yoko tiếp tục những hoạt động truyền đạt những thông điệp mà họ tin tưởng, những hoạt động luôn được đón nhận bằng cả những lời khen ngợi lẫn những lời chửi mắng, dè bỉu. Một trong những sự ảnh hưởng lớn nhất mà thế giới nhận được từ John và Yoko là những thông điệp về hòa bình thế giới mà họ thường nhấn mạnh bằng rất nhiều cách khác nhau, từ các sáng tác nghệ thuật đến Bed-ins for Peace, phong trào “biểu tình từ giường ngủ” phản đối chiến tranh Việt Nam độc đáo mà chỉ có cặp đôi này mới nghĩ ra và thực hiện thành công được. Sức lan tỏa của cặp đôi này có lẽ dễ nhìn thấy nhất khi ai ai trong thế hệ 8x, thậm chí 9x cũng biết đến những câu hát nổi tiếng:
“Imagine all the people living life in peace
People say I’m a dreamer, but I’m not the only one”
Vậy nên có lẽ thật bất công khi cuộc sống của John Lennon lại kết thúc trong một tấn bi kịch gây ra bởi chính một người hâm mộ của The Beatles. Ngày 08/12/1980, khi trở về nhà từ một buổi thu âm bài hát mới cùng Yoko, John bị bắn chết bởi một người hâm mộ mà hôm trước vừa gặp John tại một quán bar để xin chữ ký của ông trên album “Double Fantasy” vừa phát hành cùng Yoko.
“Tại sao người ta lại bắn bố?”, con trai Julian của Yoko Ono và John Lennon hỏi mẹ sau khi John Lennon bị ám sát. “Tại vì người đó yêu quý bố”. “Tại sao người yêu quý, hâm mộ bố lại bắn bố?”. “Tại vì tình yêu của con người luôn phức tạp”. Những lời kể của Yoko Ono trong lá thư viết về sự kiện John Lennon bị ám sát, với những câu hỏi ngây thơ của Julian và những câu trả lời của Yoko thực sự khiến người ta phải trăn trở. Tại sao lại là John Lennon? Tại sao bởi một người hâm mộ? Tại sao một người hâm mộ với suy nghĩ lệch lạc lại có thể dễ dàng thực hiện vụ ám sát đến vậy? Đứng trên tấm mosaic với dòng chữ “Imagine” được tái tạo lại từ bản gốc ở Strawberry Fields trong bảo tàng Liverpool, lắng nghe những file âm thanh giọng nói của John, Yoko và những bài hát của hai người, xen lẫn những tiếng chim hót và tiếng gió xào xạc - những âm thanh hòa bình, mình bị xâm chiếm bởi một sự xúc động khó tả. Tạm thời gác qua những câu hỏi lớn lao bủa vây về hòa bình, về an ninh, về công lý, có lẽ lúc đó trong mình chỉ là sự tiếc nuối cho một nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội đáng ngưỡng mộ, và sự đồng cảm với những mất mát mà có lẽ gia đình ông, và cả đông đảo những người mến mộ ông đã phải trải qua bởi một người đàn ông quá khích và một đất nước mà những người quá khích dễ dàng sở hữu phương tiện giết người.
Vậy nên khi có dịp đến New York lần này, với những cảm xúc khó phai từ buổi triển lãm ở Liverpool, mình nhất quyết muốn đến thăm Strawberry Fields một lần. Thật đáng tiếc khi Strawberry Fields không phải là một khoảng không gian im lặng vì hòa bình thế giới như ý tưởng ban đầu của Yoko Ono. Thật tiếc khi phần lớn du khách chỉ tập trung chụp ảnh tấm mosaic Imagine, mà không ghé qua mảnh vườn trong Strawberry Fields, nơi hơn 161 loài cây và các loại đá từ khắp nơi trên thế giới được gửi về theo lời mời của Yoko Ono từ fan hâm mộ và chính quyền từ khắp các nước. Thật tiếc khi người ta quên rằng Strawberry Fields đã được 121 quốc gia trên thế giới công nhận là khu vườn hòa bình, và những ý nghĩa đó trừu tượng hơn nhiều so với một bức mosaic xinh đẹp trong những tấm ảnh. Ban đầu, lời đề nghị của Yoko về việc mở một khu vườn nhỏ để tưởng niệm John Lennon cũng là bởi vì bà muốn một “đài tưởng niệm sống”, chứ không chỉ một bức tượng đồng hay một tấm mosaic nằm vô hồn trên mặt đất.
Việc đi du lịch và gặp phải tình trạng mất hút giữa đám đông khách du lịch như vậy có lẽ không còn lạ lẫm gì trong cái thời đại người người du lịch, nhà nhà du lịch này. Dù đôi lúc tình cảnh này khiến mình mủi lòng, cảm thấy mất công đi xa nhưng vẫn chẳng tìm được khung cảnh mà mình muốn, mặt tích cực hơn của vấn đề là đôi lúc những trải nghiệm thích thú nhất không đến từ những nơi đông người. Sau khi dẹp bỏ sự thất vọng về Strawberry Fields, bọn mình tiếp tục đi bộ vào sâu hơn trong Công viên Trung Tâm, rảo bộ và ngồi trên ghế đá ngắm nhìn những người dân New York dắt chó đi bộ, những cặp tình nhân và các gia đình chèo thuyền trên hồ, mà chủ yếu là người đàn ông phải gánh hết phần chèo, và những đứa trẻ chạy nhảy lung tung trong ánh nắng. Một người đàn ông bước qua cùng với hai đứa trẻ tầm 3, 4 tuổi. Một trong hai cậu nhóc bỗng dừng chân, mắt chằm chằm nhìn vào một cây đuôi mèo (cattail) bên đường như thể mọi sự kì diệu của tạo hóa được nằm trong bụi cây lau với cái đuôi nâu dài như cây hot dog đó. Người ba nhẹ nhàng hỏi, con có muốn chạm vào cây đuôi mèo không? Hai đứa bé gật đầu lia lịa. Người ba nhấc bổng hai đứa trẻ lên. Hai tay chúng cầm nắm, vuốt ve loại cây thú vị, đôi mắt sáng ngời trong phấn khích.
Mình chợt nhận ra dù đã nhiều lần thấy loại cây này ở Mỹ, mình cũng chưa bao giờ chạm tay vào nó bao giờ. Có lẽ lúc người ta lớn lên, ta quên mất những điều thú vị ngay xung quanh mình. Trí tò mò của chúng ta bị giới hạn bởi những “10 địa điểm nổi tiếng”, “10 quán ăn xuất sắc”, những review trên Yelp và Foody, những nơi đám đông thường hô hào ca ngợi. Những trải nghiệm vô hình chung bị giới hạn bởi những gì đã được soạn sẵn, thay vì để cho trí tò mò đưa đẩy để chính bàn tay tự trải nghiệm xem một bông cattail khi chạm vào sẽ như thế nào.
Nhìn hai đứa trẻ với gương mặt sáng bừng với trải nghiệm tuyệt vời mà chúng vừa có, tíu tít nhảy nhót tiếp tục chặng đường đi dạo với ba, mình thầm tự nhắc đừng bao giờ để quên sự tò mò ở nhà trên con đường trải nghiệm thế giới.